TRUYỀN DẠY NGHỀ DỆT THỔ CẨM TRONG TRƯỜNG HỌC
Lượt xem:
TRUYỀN DẠY NGHỀ DỆT THỔ CẨM TRONG TRƯỜNG HỌC
Để góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ở địa phương, Trường THCS Giang Sơn, xã Hoà Hiệp, huyện Cư Kuin đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Em yêu nghề dệt truyền thống buôn em”. CLB ra đời không chỉ góp phần giúp các em thêm yêu hơn những văn hoá đặc sắc của dân tộc mình mà còn tạo môi trường giáo dục mở vừa học chữ, vừa tìm hiểu nghề truyền thống, gắn giáo dục với hướng nghiệp, phát triển nghề dệt cho học sinh.
Trường THCS Giang Sơn, huyện Cư Kuin có gần 300 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, trong đó 30% là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong khuôn khổ nội dung chương trình học hằng năm, nhà trường linh động thiết kế các nội dung, chương trình về bảo tồn văn hóa dân tộc một cách phù hợp. Các hoạt động về giữ gìn bản sắc văn hóa ở trường được tổ chức phong phú, đa dạng và ngày càng đem lại hiệu quả cao.
Nhận thấy dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống tốt đẹp chưa được triển khai tại trường học, nhà trường đã chủ động phối hợp với Nghệ nhân dệt ở Buôn Kpung xây dựng đề án hỗ trợ CLB “Em yêu nghề dệt truyền thống Buôn em”. Việc dạy nghề dệt thổ cẩm cho học sinh và giáo viên của nhà trường là việc làm cần thiết và cấp bách bởi giúp cho giáo viên, người địa phương được học, củng cố và nâng cao các kỹ năng của dệt thổ cẩm.
Giáo viên là người địa phương nên thuận lợi phát huy được bản sắc văn hoá và thời gian tiếp cận nhanh. Việc triển khai dạy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ê đê nhằm lưu giữ nét truyền thống văn hoá từ lâu đời, tạo việc làm, trong đó quan tâm đào tạo nghề cho học sinh để các em có thể phát triển nghề, tạo thu nhập trong tương lai.
Sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, giữa tháng 10/2024, Trường THCS Giang Sơn tổ chức ra mắt CLB “Em yêu nghề dệt truyền thống Buôn em” với 10 thành viên nữ là giáo viên và học sinh. Việc thành lập CLB nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo học sinh, phụ huynh và các nghệ nhân dệt ở địa phương.
Em H Đơm Hi Bkrông, HTra Byă học sinh lớp 8, Trường THCS Giang Sơn – thành viên CLB chia sẻ: “Khi được tham gia CLB dệt thổ cẩm tại trường, em cảm thấy rất vui vì em được tìm hiểu về nghề truyền thống của dân tộc mình. CLB trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản về nghề dệt cho em, giúp em có định hướng về nghề nghiệp trong tương lai, đặc biệt là có cơ hội bồi đắp thêm tình yêu văn hóa truyền thống”.
Để CLB hoạt động có hiệu quả, Ban Giám hiệu nhà trường, Ban chủ nhiệm CLB khảo sát, tìm hiểu thực trạng nghề dệt thổ cẩm, xây dựng kế hoạch hoạt động và thành lập tổ học dệt thổ cẩm tại trường. Thời gian học nghề linh hoạt vào buổi chiều, ngày nghỉ của giáo viên và học sinh.
Theo kế hoạch CLB học và thực hành làm những sản phẩm như: túi xách, ba lô, khăn quàng cổ, khăn trải bàn, vỏ gối, võng, móc khoá, ví cầm tay… nhằm làm cho mẫu sản phẩm từ vải thổ cẩm trở nên đa dạng hơn phục vụ thị hiếu, nhu cầu khách hàng.
Câu lạc bộ hàng tháng sẽ hoạt động quảng bá, tuyên truyền về sản phẩm cụ thể như: pa nô, áp phích tại sân trường và tranh về hoạt động dệt thổ cẩm, người mặc trang phục thổ cẩm, trưng bày các sản phẩm vải thổ cẩm, thành phẩm (quần, áo, chân váy, áo dài…), máy móc, khung dệt… tại phòng truyền thống nhà trường; quảng bá các hoạt động, sản phẩm của CLB qua trang website, zalo, facebook… của nhà trường.
Thầy giáo Y Kốp HMŏk, Chủ nhiệm CLB cho biết: “CLB ra mắt là bước khởi đầu để từng bước khôi phục và lan tỏa nghề dệt truyền thống. Thời gian tới, đặc biệt là trong hè năm nay các em sẽ được các nghệ nhân tại địa phương truyền dạy các bước cơ bản như lên khung, xếp sợi, tạo hình và dệt sản phẩm cụ thể, thực hành và trải nghiệm nghề dệt tại trường học. Hy vọng, CLB sẽ là sân chơi bổ ích giúp học sinh phát triển những phẩm chất, tư duy, tình cảm, đạo đức tốt đẹp và rèn luyện những kỹ năng cần thiết”.
Nghề dệt thổ cẩm đã có từ rất lâu đời, là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS ở tại Buôn KPung. Tuy nhiên, hiện nay, nghề dệt thổ cẩm đang đối diện với nguy cơ mai một. Ngoài việc khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề, dạy nghề, mở lớp dạy nghề, thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm… thì việc hướng nghiệp nghề truyền thống trong trường học là rất cần thiết.
Cô Lê Thị Tuyết Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Giang Sơn cho biết: “Dạy nghề dệt thổ cẩm trong trường học là một hướng đi mới. CLB đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo việc làm thêm cho các lao động tại địa phương nhằm cải thiện mức sống, góp phần xóa đói giảm nghèo; khuyến khích được việc giữ gìn nghề truyền thống, tạo môi trường giáo dục mở vừa học chữ, vừa tìm hiểu nghề truyền thống, gắn giáo dục với hướng nghiệp, phát triển nghề dệt cho học sinh đam mê, góp phần không để nghề dệt truyền thống bị mai một”.
Sau đây là một số hình ảnh hoạt động của CLB